'Nhân viên ngân hàng phải sống bằng lương, giàu bằng thưởng'

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), có những chia sẻ cởi mở với Zing.vn sau khi cổ đông lớn Him Lam rút vốn tại ngân hàng này.

- Ông Dương Công Minh và người liên quan đã bán hết cổ phần tại LienVietPostBank. Nhà đầu tư băn khoăn về tác động của việc này đến ngân hàng, ông có thể chia sẻ gì?
- Tôi cho rằng việc cổ đông lớn Him Lam thoái vốn khỏi ngân hàng sẽ không làm ảnh hưởng gì đến hoạt động. Sau khi Him Lam rút vốn thì có hai doanh nghiệp nhỏ vào mua. Họ mua dưới 5% nên theo quy định không cần công bố danh tính. Ngoài ra, có thêm hai lãnh đạo khác là anh Thắng (Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch HĐQT) và anh Sơn (Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc) mua vào.
Him Lam rút vốn giai đoạn này có thể là quyết định may mắn, giữa lúc ngành ngân hàng đang thuận lợi, mọi thứ tốt lên.
Kết quả kinh doanh của LienVietPostBank cũng khả quan. Đến hết 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế dự kiến khoảng 900 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch cả năm.
Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết thời gian tới sẽ đầu tư cạnh tranh trên ngón tay cái, ngón tay trỏ, bên cạnh các nghiệp vụ huy động, cho vay bình thường

'Càng nhiều cổ đông nhỏ càng tốt'
- Tỷ lệ sở hữu của ông và những người có liên quan tại ngân hàng hiện tại quanh mức 6%, được cho là thấp. Ông bình luận như thế nào về ý kiến này?
- Thật ra, hiện tại, tỷ lệ sở hữu của tôi như vậy vẫn thuộc cổ đông lớn. Những người có liên quan có thể nắm tối đa 20%. Nhưng tôi không muốn tập trung riêng mà muốn có chủ trương là toàn bộ nhân viên ngân hàng có thể có và nắm giữ cổ phiếu, để LienVietPostBank trở thành ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam có tất cả cán bộ nhân viên, từ vị trí thấp nhất như bảo vệ hay cao nhất như chủ tịch HĐQT đều là cổ đông.
- Điều này là chưa có tiền lệ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Vì sao ông lại có quan điểm như thế?
- Mỗi cán bộ nhân viên phải tự chăm sóc cho “nồi cơm chung” của mình. Họ phải tự vun đắp, bảo vệ nó. Tôi quan điểm rằng cán bộ nhân viên của ngân hàng phải “sống bằng lương, giàu bằng thưởng”. Họ có lo cho họ được thì mới lo được cái chung vì cuộc sống này “không ai thương mình bằng chính mình”.
Còn cá nhân tôi nghĩ ngân hàng có càng nhiều cổ đông nhỏ càng tốt. Và việc chú ý đến cổ đông nhỏ là cần thiết. Cổ đông lớn đôi khi khá giả rồi, họ tập trung làm cái khác, không để ý hết được, không giám sát được mọi chuyện. Trong khi đó, cổ đông nhỏ có quyền lợi gắn bó trực tiếp với ngân hàng, họ chính là “người ngân hàng”, có thể giám sát, để ý được nhiều hơn, đưa ra những ý kiến trái chiều bổ ích.
- LienVietPostBank liệu có thay đổi gì về chiến lược, kế hoạch sau khi cổ đông lớn Him Lam thoái vốn?
- Dự kiến, chúng tôi sẽ đầu tư mạnh về mạng lưới. Với một số vị trí liên quan đến tài khoá, chúng tôi dự kiến thuê hoặc tuyển thẳng các chuyên gia nước ngoài. Chúng tôi xác định mục tiêu là sẽ cạnh tranh trên ngón tay cái, ngón tay trỏ, chủ trương “màn hình máy tính, màn hình điện thoại thay cho ghế, bàn”.
Nghĩa là LienVietPostBank sẽ đẩy mạnh các mảng liên quan đến xử lý trên các thiết bị di động, công nghệ... cũng là phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 mà nhiều người đang nhắc đến, chứ không đơn thuần là các nghiệp vụ cho vay, huy động vốn thông thường.

Ghế nóng Sacombank: Nhiều người muốn vào mà không được

 - Thời gian qua, câu chuyện ông rời LienVietPostBank, tham gia ứng cử HĐQT Sacombank rồi lại rút khỏi danh sách này, về lại LienVietPostBank làm Chủ tịch HĐQT, sau đó thì Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank là ông Dương Công Minh rời ngân hàng gây xôn xao dư luận. Có nguồn thông tin cho rằng danh sách ứng cử HĐQT Sacombank có tên ông Dương Công Minh. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Sacombank nếu nhìn đơn thuần thì là “vũng lầy” vì nợ xấu tại đây quá lớn. Nhưng nếu nhìn xa hơn thì thấy nợ xấu chủ yếu là bất động sản. Ai có “nghề” bất động sản và xử lý được thì ngân hàng thu hồi được nợ xấu ngay. Đó cũng có thể là lý do mà gần như tất cả đại gia bất động sản đều muốn vào tái cơ cấu ngân hàng.
Tuy nhiên, điều kiện để có thể vào được Sacombank lại không đơn giản. Tiêu chí thì nhiều, nhưng tôi cho rằng cần đáp ứng ít nhất 5 thứ: một là phải muốn tham gia thực sự, hai là có "nghề" ngân hàng, ba là có "nghề" bất động sản. Tiếp đó, cá nhân, đơn vị nào tham gia cần phải có tiền, ở đây là “tiền liền”. Cuối cùng, cá nhân, tổ chức đó phải đủ điều kiện về pháp lý.
Ông Dương Công Minh có đủ các điều kiện đó, nên ngay cả khi ông Minh có tên trong danh sách ứng cử HĐQT Sacombank cũng là điều bình thường.

- Người ta bảo “ghế” chủ tịch tại Sacombank chắc chắn rất nóng. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Ghế đó nóng thật (cười). Vào Sacombank tái cơ cấu không chỉ gỡ nợ xấu mà cần xử lý được cả phần bất động sản. Nhiều người muốn vào mà không được vì không hội tụ được các điều kiện.

- Ông thì sao?
- Tôi thì chỉ có “nghề” ngân hàng (cười). Với lại, nếu để kiếm thêm tiền hay tranh giành thì tôi sẽ không tham gia.

- Xin cảm ơn ông.


Trích nguồn: Theo news.zing.vn
Số lượt đọc: 312 Cập nhật lần cuối: 29/06/2017