Hội chẩn đúng - Kiềm chế hiệu quả lạm phát

TP - Lạm phát đã trở thành căn bệnh toàn cầu, tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới. Quý I năm 2008, lạm phát ở tất cả các nước đều tăng cao, trong đó khối EU là khu vực được đánh giá ổn định tiền tệ nhất, lạm phát thấp, nhưng tốc độ lạm phát cũng tăng trên 2 lần so với cùng kỳ năm trước.....
 

Mặc dù lạm phát có nguyên nhân từ nội tại nền kinh tế, nhưng có thể nói lạm phát tăng cao ở nhiều nước là do tác động quá lớn bởi giá cả hàng hóa thế giới tăng cao. 

Chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của Việt Nam năm 2007 tăng 12,63% ; 4 tháng đầu năm tăng 11,6% so với tháng 12/2007; CPI tháng 4 so cùng kỳ tăng tới 21,42%. Bên cạnh nguyên nhân do giá cả thế giới tăng cao như các nước, đối với Việt Nam, đã hội đủ các nguyên nhân gốc dẫn đến lạm phát, là do “cầu kéo” và “chi phí đẩy”, đồng thời có cả “tâm lý đẩy”…

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam có những điểm khác biệt với các nước trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến cung - cầu, mà điểm khác biệt này khiến Việt Nam có mức tăng giá cao hơn đó là:

Thứ nhất, mức độ mở cửa cao với nền kinh tế thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa so với GDP năm 2007 đã lên tới 152% và lên tới mức trên 200% trong quý I/2008.

Chỉ riêng nhập khẩu đã chiếm tới trên 80% GDP năm 2007 và khoảng 140% trong quý I/2008 (tỷ lệ này năm 2006 ở Trung Quốc là 29,69%, Mỹ 14,54%, Đức, Anh, Pháp từ 25-30%), cho thấy giá cả trong nước chịu tác động mạnh bởi xu hướng giá trên thị trường thế giới.

Thứ hai, tổng cầu đang có xu hướng tăng mạnh, đáng chú ý là cầu đầu tư được hậu thuẫn bởi nguồn vốn nước ngoài vào với tốc độ cao. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, đã tạo niềm tin đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam, khiến cầu đầu tư tăng mạnh.

Một mặt, luồng vốn nước ngoài vào tăng đột biến. Mặt khác, ở trong nước, nhiều doanh nghiệp thành lập mới và mở rộng đầu tư nhằm mở rộng thị trường trong bối cảnh hội nhập đã khiến cầu tín dụng từ hệ thống ngân hàng cũng như từ nguồn ngân sách và nguồn vốn tín dụng phát triển gia tăng.

Thứ ba, “ai muốn sử dụng nhiều loại tiền trên thế giới, hãy đến Việt Nam”, đó là tình trạng “đô la hoá” trong nền kinh tế đã hạn chế tác động của chính sách tiền tệ đối với việc kiểm soát tổng phương tiện thanh toán.

Thực tế này cho thấy, mặc dù đã trung hòa tới trên 90% lượng tiền đưa ra mua ngoại tệ trong năm 2007, tổng phương tiện thanh toán vẫn tăng tới 46%. Vấn đề là ở chỗ khi còn tình trạng đô la hóa, thì tổng phương tiện thanh toán chịu áp lực tăng mạnh bởi luồng vốn vào, vì không cần chờ đến bán ngoại tệ cho NHNN để có tiền cấp tín dụng, các ngân hàng thương mại vẫn có thể sử dụng ngay nguồn ngoại tệ này cấp tín dụng bằng ngoại tệ. 

Thứ tư, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao, tuy nhiên thứ tự ưu tiên chưa được xác định rõ ràng trong từng thời kỳ.

Có thể nói một trong những nguyên nhân lạm phát năm 2007 – 2008 là điểm rơi – hậu quả của quản lý kinh tế lỏng lẻo nói chung, chính sách tiền tệ và các vấn đề nội địa khác nói riêng đã được tích tụ từ 3 - 5 năm trước.

Và đến năm 2007, chính sách vẫn trong tình trạng “bia kèm lạc”, tức là làm thế nào vừa phải đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức cao, nhưng lại vừa kiểm soát lạm phát, NHNN đã buộc phải mua ngoại tệ không để VND lên giá quá mạnh nhằm hạn chế tác động bất lợi tới xuất khẩu và duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao.

Thứ năm, chính sách tiền tệ thắt chặt tỏ ra đơn độc ở Việt Nam trong năm 2007 đã khiến lạm phát không thể được kiềm chế ở mức thấp hơn. Về lý thuyết, nếu lạm phát đang là vấn đề nổi cộm mà nguyên nhân là do tổng cầu (tổng chi tiêu) cao hơn tổng sản lượng của nền kinh tế ở mức giá cố định, cần thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt (là hai chính sách điều chỉnh chi tiêu) để giảm tổng cầu, từ đó giảm áp lực tăng giá.

Thực tiễn năm 2007 cho thấy, trước bối cảnh lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ đã có nhiều động thái thắt chặt từ giữa năm nhưng xem ra có quá ít chứ chưa nói là không có động thái nào từ việc thắt chặt chính sách tài khóa.

Phải thừa nhận rằng, đầu tư tăng cao không chỉ từ nguồn tín dụng của hệ thống ngân hàng mà còn từ nhiều nguồn khác như đầu tư ngân sách, tín dụng phát triển.

Bội chi ngân sách mặc dù nằm trong giới hạn cho phép hàng năm, dưới 5% GDP nhưng diễn ra trong nhiều năm liên tục, và trong điều kiện GDP tăng cao, nên về thực chất thâm hụt ngân sách đã tăng cao, khiến tiêu dùng cuối cùng và đầu tư có sự gia tăng đáng kể từ khu vực ngân sách.

Những định hướng và giải pháp kiềm chế lạm phát vừa qua được Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung quyết liệt đã cho thấy căn bệnh lạm phát đã được chẩn đoán đúng, phác đồ điều trị đã chuyển hướng thực hiện đồng bộ “cả gói” chính sách.

Điều quan trọng là hai chính sách điều chỉnh chi tiêu (là chính sách tiền tệ và tài khóa) đã được thắt chặt song hành. Đặc biệt hơn, Chính phủ đã xác định ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát, trình Quốc hội điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ mức 8,5%-9% xuống còn 7%.

Với việc ưu tiên kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế có thể giảm trong ngắn hạn so với mục tiêu, nhưng về trung và dài hạn khi lạm phát ổn định trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hướng đi này được nhiều tổ chức quốc tế, giới đầu tư trong và ngoài nước tin tưởng và tiếp tục đánh giá cao về triển vọng kinh tế trung hạn của Việt Nam.

Số liệu cho thấy, mặc dù chỉ số CPI vẫn ở mức cao, 2,2% trong tháng 4/2008, nhưng tốc độ này đã có xu hướng giảm so với các tháng trước đó, nhất là khi giá cả thế giới vẫn tiếp tục tăng cao, điều đó chứng tỏ giải pháp đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là tính hiệu quả của cả gói chính sách, đặc biệt là việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên và nâng cao hiệu quả đầu tư công thực hiện như thế nào?

Và cần “mổ xẻ” hiệu quả của đầu tư công với các dự án “treo”, dự án phong trào kém hiệu quả tại các tỉnh, thành, ngành; đồng thời nên đưa hoạt động đầu tư của các “tập đoàn kinh tế nhà nước” lên “bàn mổ” đại phẫu thuật, cùng với việc “người người, nhà nhà, ngành ngành, cấp cấp” chống lạm phát và đổi mới tích cực, chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ ổn định và phát triển...

 
Số lượt đọc: 5 Cập nhật lần cuối: 18/01/2013