Dự báo ảnh hưởng “bão” tài chính Mỹ với kinh tế Việt Nam

Tuy nhiên, tác động ở mức độ nào và ngành ngân hàng đã và sẽ đối phó ra sao là chủ đề chính mà giới ngân hàng đã đem ra “mổ xẻ” trong cuộc Hội thảo “Tác động chính sách tiền tệ đối với hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Thương mại Việt Nam” tổ chức sáng 17/12 tại TP. HCM do Ngân hàng TMCP Liên Việt và ĐH Ngân hàng TP. HCM phối hợp tổ chức.
 

Ngân hàng “tránh bão”

TS. Nguyễn Đắc Hưng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết các ngân hàng (NH) Việt Nam có quan hệ đại lý thanh toán quốc tế, chuyển tiền kiều hối, bảo lãnh xuất nhập khẩu, tiền gửi, kinh doanh ngoại tệ và vay vốn với các NH Mỹ và các NH nước ngoài. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh tiền gửi của NHNN với tỷ trọng trên 80% nằm tại NH Trung ương các nước, thì tỷ trọng còn lại và tiền gửi của các NHTM Việt Nam đều gửi tại các NH Mỹ và NH nước ngoài được xếp hạng tín nhiệm cao, chưa có ngân hàng nào phải xử lý. 
 
Do đó, tiền gửi của các ngân hàng Việt Nam vẫn an toàn. Các quan hệ ngân hàng đại lý, thanh toán, chuyển tiền, bảo lãnh, kinh doanh ngoại tệ cũng chưa bị ảnh hưởng gì. Hiện nay hầu như các NH Việt Nam chưa vay vốn các NH Mỹ, thậm chí còn có tiền gửi tại Mỹ, nên cũng không bị ảnh hưởng. 
 
Tuy nhiên, để phòng ngừa rủi ro, một số NHTM Việt Nam đang cơ cấu lại tiền gửi ở nước ngoài, chuyển đến các ngân hàng tại những nơi an toàn hơn như Hongkong hay Singapore.
 
Tính đến cuối tháng 10/2008, Vietcombank đã rút khoảng 40% tổng số tiền gửi ở Mỹ và một số nơi khác về gửi tại NHNN VN và một số NH khác trong khu vực; đồng thời đóng bớt một số tài khoản thanh toán quốc tế Nestro ở nước ngoài. 
 
Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đến nay đã đạt trên 23 tỷ USD. Mỹ hiện có một số chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam vẫn đang hoạt động bình thường và hệ thống ngân hàng này tại Mỹ không rơi vào tình trạng bị phá sản, thôn tính, hay bán lại. 
 
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt nhận định: “Những quyết định đồng bộ và mạnh mẽ của Chính phủ, NHNN về chính sách tiền tệ đã đưa lãi suất trên thị trường dần trở về tương ứng với mức trước khi thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như của các thành phần kinh tế. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm rất lớn nhưng vốn cho vay ra của các NHTM vẫn rất khó khăn. Nhìn chung nguồn thu của các NHTM bị giảm”.
Xuất khẩu, kiều hối, FDI sẽ bị ảnh hưởng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm trong những tháng gần đây. 
 
Kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2008 đạt 4,8 tỷ USD, giảm 4,8% so với tháng 10/2008. 11 tháng đầu năm 2008, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 58,54 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ, song nếu trừ yếu tố tăng giá của 5 mặt hàng là dầu thô, gạo, than đá, cao su, cà phê thì tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu chỉ là 19%. 
 
Do nhu cầu giảm và khách hàng không có khả năng thanh toán, nên nhiều đơn đăt hàng xuất khẩu vào Mỹ, EU, Nhật với các mặt hàng: dệt may, hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ,... đã giảm 20 - 30%. 

Hàng thuỷ sản xuất khẩu vào Nga bị ứ đọng do không có khả năng thanh toán. Nhiều hợp đồng xuất khẩu bị hoãn, hoặc phải lùi thời hạn sang năm sau. Tổng Giám đốc một Cty XNK thừa nhận việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu mới hiện tại đang gặp nhiều khó khăn. Không chỉ xuất khẩu mà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới cũng vẫn bị ảnh hưởng. 

Trong 11 tháng đầu năm 2008, có hơn 900 dự án FDI được cấp phép mới, nếu tính cả số vốn đăng ký tăng thêm của gần 250 dự án được cấp phép các năm trước, thì tổng số vốn đăng ký trong 11 tháng hơn 60tỷ USD, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2007 về vốn đăng ký, nhưng giảm 17,5% về số dự án và số vốn thực hiện mới đạt quá thấp, chỉ có 10,050 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước, không tương ứng so với mức tăng của vốn đăng ký! 
 
Lý giải tình trạng trên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trên thực tế, vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam có tỷ trọng đáng kể là vay các NH nước ngoài chuyển vào Việt Nam và vay các chi nhánh NH nước ngoài, NH liên doanh tại Việt Nam và của các NHTM Việt Nam. 
 
Hiện nay với tình hình thanh khoản của các NH Mỹ và nhiều NH lớn trên thế giới thì việc vay vốn của các nhà đầu tư sẽ khó khăn hơn và số vốn thực hiện sẽ không đạt được như dự kiến. 
 
Tuy nhiên ông Nguyễn Đắc Hưng đánh giá: “Theo một số nghiên cứu khác vừa công bố thì trong số 60,097 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nói trên thì của các nhà đầu tư Mỹ và châu Âu chỉ chiếm 5%, còn lại 95% là của các nhà đầu tư Nhật Bản và châu Á nói chung, mà khu vực này ít bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ”. 
 
Riêng kiều hối thì TS Hà Quang Đào (ĐHNH TPHCM) e ngại dự báo 8 tỷ USD trong năm 2008 là dự báo trước thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra và lan rộng. 
 
Nay nguồn kiều hối về Việt Nam chủ yếu từ Mỹ và EU, Úc đang gặp khó khăn thì những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009, nên lượng kiều hối chuyển về khó đạt được như kỳ vọng.

Ngân hàng Liên Việt: Tạo sức bật từ hoạt động xã hội

Đánh giá về hiệu quả hoạt động xã hội của Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank), ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng: “Việc gắn hoạt động xã hội với kinh doanh chính là con đường ngắn nhất để đến với xã hội và LienVietBank đã thực hiện việc này rất tốt”. 

Hòa nhập cộng đồng
Thực tế, chỉ trong một thời gian ngắn, LienVietbank đã đến với công chúng và luôn tìm cách hiểu công chúng hơn để hoạt động NH ngày càng hiệu quả hơn.
Không chỉ nỗ lực trong hoạt động kinh doanh, với phương châm “gắn xã hội trong kinh doanh”, kể từ ngày đi vào hoạt động, LienVietBank luôn tích cực đóng góp cho cộng đồng và xã hội thông qua các hoạt động ủng hộ và phong trào từ thiện với tổng ngân sách gần 70 tỷ đồng. Dường như, LienVietBank không chỉ là một NH hoạt động đơn thuần tạo lợi nhuận mà ra đời để góp phần nào giúp những người nghèo khó, không may mắn trong xã hội thực hiện được ước mơ, nguyện vọng nho nhỏ trong cuộc đời của họ vậy. 

Với rất nhiều hoạt động xã hội, như: kết hợp với Báo Thanh niên để trao tặng Học bổng “Nguyễn Thái Bình - Vườn ươm nhân tài LienVietBank”, kết hợp với Báo Tiền phong để phát động cuộc thi “Câu nói hay nhất về hoạt động NH TMCP Việt Nam hiện nay”, tặng quà tết cho học sinh khuyết tật Hà Nội…, LienVietBank đã từng bước hiểu hơn những nhu cầu xã hội và dần được khẳng định như một thương hiệu có uy tín trong giới tài chính - ngân hàng.

Tiếp tục phát huy

Tiếp nối thành công của những hoạt động trên, LienVietBank đã phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam trao 34 suất quà cho học sinh khuyết tật Trường PTCS Trung Tự (Hà Nội), nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009. Với tinh thần “Thương người như thể thương thân”, NH muốn đóng góp một món quà giúp các trẻ em mồ côi, khuyết tật đón mùa xuân ấm áp.
Xúc động với những món quà đầu xuân của LienVietBank, cô giáo Nguyễn Tuyết Mai - Phó hiệu trưởng Trường PTCS Trung Tự cho biết, nhà trường hiện có một lớp đào tạo trẻ em tàn tật gồm 34 cháu. Trên thực tế, nhà trường không có chức năng đào tạo trẻ tàn tật, nhưng trường có một lớp - được thành lập năm 1987 theo Dự án đào tạo trẻ em khuyết tật của Nhà nước và vẫn duy trì đến nay. Nhưng hiện nhà trường đang rất khó khăn trong việc duy trì lớp học sinh này. Các cháu tham gia có độ tuổi từ 7 đến 15 và đa phần là bị bệnh đao, bệnh tự kỷ… nên các cháu rất chậm hiểu. Việc tạo điều kiện cho các cháu đến trường để các cháu có cơ hội giao lưu với bạn bè là điều rất đáng làm. Tuy nhiên, nhà trường lâm vào cảnh bế tắc trong việc xử lý với các cháu quá tuổi. Có cháu gắn bó với nhà trường tới 15 năm mà không xin được vào trường lớp đào tạo nghề nào. Nhà trường cũng rất cảm kích khi nhận được sự quan tâm ủng hộ của các đơn vị, trong đó có LienVietBank và đặc biệt là Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam.

Ông Alexander Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc LienVietBank cho biết: “Gắn xã hội trong kinh doanh” là phương châm hoạt động mang tính lâu dài của LienVietBank. Song song với việc phát triển có hiệu quả các hoạt động kinh doanh, NH cũng rất tích cực đóng góp cho cộng đồng và xã hội thông qua các hoạt động ủng hộ và phong trào từ thiện, từ đó nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của mỗi thành viên trong NH”.
 

Số lượt đọc: 11 Cập nhật lần cuối: 15/01/2013