Chim Đại Bàng và bài học cuộc đời

http://nguyenduchuong.vn/sites/default/files/tin-tuc/anh-dai-dien/bhcs-7-nguyen-tac-song-cua-dai-bang-03_0.jpg
 
Vô tình tôi đọc được 7 nguyên tắc sống của chim Đại Bàng - thật là thú vị, vì tôi đang nghiên cứu về bài học cuộc đời từ các loài chim! Rất muôn hình muôn vẻ, mỗi loài đều có thế mạnh và điểm yếu riêng, nhưng chim Đại Bàng là loài khác biệt... đúng thật: “Chim là đời”!

Chim Đại Bàng có nhiều điểm khác biệt với các loài chim khác, nhưng có 7 nguyên tắc cơ bản, hấp dẫn, đó là:
 
Nguyên tắc 1:
Đại Bàng chỉ bay với những con Đại Bàng khác hoặc bay một mình và chúng lại chọn bay ở một độ cao rất lớn, không bay chung với chim sẻ, kền kền, quạ,… không chen lẫn vào “đường bay” của các loài chim hay gia cầm khác như ngỗng, vịt trời,… tuyệt đối tránh bay chung với các loài chim nhỏ hơn.
Tính cách của Đại Bàng luôn luôn chọn phong cách không giống ai” vì cái tầm của Đại Bàng không cùng tầm của các loài chim khác và Đại Bàng không muốn ai cản trở con đường đi của mình bằng cách tránh xa họ; trong cuộc sống và kinh doanh, đó chính là bản chất của chiến lược Đại dương xanh” chỉ làm những gì chưa ai làm, nghiên cứu tiểu ngạch, tiểu vùng ít cạnh tranh. Nhưng một mình một đường, một mình một ngựa cũng luôn rình rập hiểm nguy mà khi nguy cấp chỉ có tự mình cứu mình, không ai cứu được mình vì vượt tầm và lẻ loi.

Nguyên tắc 2:
Vừa bay ở một độ cao lớn, Đại Bàng đồng thời lại có tầm nhìn rất xa, đôi mắt của nó có khả năng tập trung vào con mồi ở khoảng cách 5 km. Một khi phát hiện ra con mồi từ xa, thậm chí chỉ là loài động vật gặm nhấm, nó sẽ chú tâm và dành sự tập trung tuyệt đối của mình vào con mồi, từ đó thiết lập ra cách tiếp cận nhằm bắt bằng được con mồi đó. Không có vấn đề gì có thể cản trở hay làm Đại Bàng thay đổi mục tiêu cho đến khi nó bắt được con mồi.
Mấu chốt của sự thành công là phải hội tụ đủ các yếu tố: tự lập - đam mê - tập trung cao độ - kỹ năng - chuyên nghiệp - nói đi đôi với làm! Đại Bàng đã nhìn thấy con mồi thì sẽ toàn tâm toàn ý để đôi cánh và đôi chân phục vụ những điều đã nghĩ sẽ làm.

Nguyên tắc 3:
Khác với Kền Kền – là loài thường ăn động vật chết, thối rữa. Đại Bàng không bao giờ ăn những thứ đã chết mà nó chỉ thích săn mồi và ăn khi con mồi còn tươi mới.
Trong cuộc sống hãy cẩn thận với chính cái miệng của mình, vì:
Cái miệng là cửa tai họa
Lưỡi không xương là con dao diệt thân
Cái miệng che giấu lưỡi
Thân yên ổn cả đời
Trước khi ăn cái gì, nói cái gì phải biết... đá lưỡi 7 lần!

Nguyên tắc 4:
Đại Bàng thích các cơn bão – nó được xem là loài chim duy nhất yêu thích các cơn bão, bởi khi những đám mây xám xịt kéo đến cùng mưa gió thì đó là lúc Đại Bàng trở nên vui mừng. Gió và bão cho phép nó có một cơ hội để lướt cao hơn từ đôi cánh của chính mình, vượt lên trên cả những đám mây. Trong khi đó, các loài chim khác lại tìm cách ẩn trú trong các vách đá, cành và những hốc cây.
Văn ôn, võ luyện”, thành công cuộc đời có tới 99% khổ luyện, chỉ có 1% trời cho! Và biết làm quen với giông tố thì không sợ gì giông tố! Nhưng hãy cẩn thận: phải biết mình là ai? yếu không được ra gió!

Nguyên tắc 5:
Đại Bàng là một loài vật đặc biệt bởi nó luôn có cách thức để kiểm tra trước khi đặt niềm tin vào con khác. Cụ thể: Trước khi Đại Bàng cái cho phép con đực được giao phối, nó sẽ cắp một cành cây khô để bay vào không trung trong khi con đực đuổi theo nó. Nếu đạt đến độ cao mong muốn thì nó sẽ thả nhành cây xuống cho rơi tự do, con đực phải thả mình rơi nhanh hơn cành cây để bắt lại trước khi cành cây kịp rơi xuống đất và mang nhành cây đó đưa lại cho con cái. Tiếp tục, con Đại Bàng cái sẽ cắp cành cây để bay lên cao hơn nữa và lại thả cành cây để cho con đực đuổi theo. Điều này sẽ diễn ra và kéo dài hàng giờ đồng hồ với độ cao ngày càng tăng cho đến khi con cái cảm thấy bị con đực chinh phục thì mới cho phép con đực được giao phối với nó.
Chọn bạn và đặt niềm tin vào ai đó là cả một quá trình “Triệu người quen có mấy người thân; khi lìa trần có mấy người đưa?. Chúng ta chỉ tin ai là người tốt với mình khi đã qua thử thách; những người bạn tốt thật là người xuất hiện và cùng đi bên ta lúc khó khăn nhất! Là người vừa biết động viên mình, vừa biết chửi vào mặt mình khi cần thiết, nhưng cứ khó khăn là họ xuất hiện... Hãy đặt niềm tin trọn vẹn và giữ chặt người đó bên ta - hạt cát quý hiếm! Một lần với Đại Bàng hơn ngàn lần Chim Sẻ!

Nguyên tắc 6:
Để chuẩn bị cho việc đẻ trứng, Đại Bàng đực và con cái tìm đến làm tổ ở một vị trí rất cao, thường nằm trên các vách đá, nơi không có bất kỳ động vật săn mồi nào có thể tấn công và làm hại chiếc tổ được. Cả hai sẽ phân chia nhiệm vụ trong việc nuôi nấng, bảo vệ đàn con, con cái có nhiệm vụ đẻ trứng và bảo vệ chúng còn con đực xây dựng tổ và đi kiếm mồi. Con đực sẽ đi tìm cành cây khô, chắc chắn để đặt trên các khe hở của vách đá, và thu nhặt những loại cành nhỏ hơn để xếp vào tổ. Trước khi lót tổ bằng một lớp lá cây, nó còn chọn những cành khô và có gai đặt ở bên dưới, kế đến là một lớp cỏ mềm và sau đó rũ bỏ trên mình để tạo thành một lớp lót mềm mại nữa trước khi hoàn thành cái tổ. Để dạy cho con tập bay, Đại Bàng mẹ sẽ ném chúng ra khỏi tổ, các con non thì hoảng sợ nên ngay lập tức nhảy lại vào tổ. Đại Bàng mẹ liền trút bỏ những lớp lót mềm mại trong tổ, giữ lại các gai trần rồi tiếp tục ném những con non ra ngoài. Khi các Đại Bàng con nhảy lại vào tổ thì chúng bị gai nhọn đâm chích và chảy máu, bắt buộc nó phải nhảy ra khỏi tổ lần nữa. Hoàn thành bài học đó, Đại Bàng mẹ sẽ đẩy các con ra khỏi vách đá vào không trung, khi chúng kêu gào lên trong sợ hãi thì Đại Bàng cha sẽ bay ra để bắt chúng trở lại trước khi rơi xuống đất. Bài học này sẽ được thực hành liên tục cho đến khi Đại Bàng con tiếp thu kiến thức và bắt đầu vỗ cánh tập bay.

Khi có gia đình, con cái là tài sản quý nhất, vô giá! Nhưng ở đời, bất cứ ai và bất cứ đứa trẻ nào nếu không vấp ngã thì khó mà đi ngay ngắn được, nên phải tạo điều kiện cho con cái tự lập; thương quá không biết cách sẽ trở thành... hại. Mà nhiều khi sắp nhắm mắt xuôi tay, nhiều ông bà cha mẹ không giải thích nổi tại sao đứa con của mình mãi mãi không trưởng thành và cứ đổ cho số mệnh! Làm cha làm mẹ biết thương con một cách khoa học, hiện đại là phải biết thả con mình ra đời sớm, học tự lập (ở nước ngoài trẻ con học tự lập từ lúc tự tay biết cầm bình sữa để bú) và bố mẹ chỉ đứng từ xa để quan sát và bảo vệ con, chứ không phải như gà mái ấp ủ rồi ra đời đứa con luôn tìm cách trú ẩn sợ bão tố và cuối cùng chỉ đi bới rác lặt vặt quanh lũy tre làng. Con hơn cha là nhà có phúc! Cuộc đời nếu may mắn sẽ gặp những người tốt mà họ dám chỉ thẳng cho ta biết nhược điểm của mình, thỉnh thoảng họ dắt ta đi bỏ rơi giữa sa mạc, rồi sau đó họ lại động viên chỉ rõ cho ta làm sao sống được trên sa mạc! Tự nhiên ta sẽ lớn lên lúc nào không biết; có khi quá nửa đời phiêu dạt ta mới ngộ ra điều này! Thật trân quý vô cùng!

Nguyên tắc 7:                                          
Đại Bàng cũng rất biết cách để chuẩn bị cho tuổi già… Khi chúng trở nên già nua không còn nhanh nhẹn như trước, bộ lông của chúng trở nên yếu và nó có cảm giác sắp chết thì Đại Bàng sẽ tìm đến một một nơi sâu trong hang đá. Tại đây, nó sẽ tự nhổ hết tất cả lông trên cơ thể của mình cho đến khi bộ lông rụng sạch hoàn toàn. Nó ở lại trong hang để ẩn náu cho đến khi cơ thể phát triển mới lông, sau đó nó mới ra khỏi hang và trở lại cuộc sống.
Cuộc sống và xã hội đều được điều tiết bởi quy luật khoa học, tự nhiên, sinh tồn. Phải biết thấu hiểu quy luật một cách bài bản, biết chấp nhận và luôn đơn giản hóa để đổi mới tư duy! Phải biết học chữ thoát để buông bỏ, vì cái gì ôm vào đầu mình rồi phải biết buông ra khi cần, vì cuộc sống cả đời chỉ cố gắng đi tìm hai từ thanh thản vui khỏe và thực tại mới là của chính mình.
 
Đại bàng hoành tráng như vậy nhưng cuối đời cũng chỉ vò võ một mình tự lo tuổi già cho chính mình. Tôi đã đặt ra câu hỏi cho hàng trăm người: Cuối đời ai là người nuôi mình tốt nhất? thì 99/100 người trả lời rằng Người thân, vợ chồng, con cháu nuôi mình chứ còn ai nữa. Câu trả lời trên cơ bản đúng nhưng chưa trúng vì đáp án trúng nhất là: Cuối đời, tiền chính là người nuôi mình! Khi có đáp án chính thức, nhiều người trong số 99 người bày tỏ: Cũng chứng kiến nhiều gia đình như thế và trong số 99 người cũng nhiều người đang trong hoàn cảnh như thế... nhưng không dám nói ra, sợ tổn thương đến người thân của mình, sợ người ngoài biết nên thà cứ... dối lòng... ”. Trong cuộc sống tất cả những điều không thể đều có thể; không phải chỉ có sự thật phũ phàng về người với người mà để tránh phũ phàng của tai họa khách quan ập đến (họa vô đơn chí), nên hai vợ chồng hiện đại, thực tế vì nhau phải biết tạo quỹ đen cho mỗi người, để về già không làm được thì... thuê! Không ai nuôi mình thì... tiền chính là người nuôi mình hiệu quả nhất, tránh tình trạng ông chủ, bà chủ bị biến thành... người ăn xin cuối đời vì tiền có nhưng vợ chồng con cháu giữ hết... hoặc tai họa khách quan ập đến mất sạch tài sản chung... Phương châm sống thực tế là: Sống thật khỏe - chết thật nhanh - có ít của để dành - được nhiều người thương nhớ!.
 
Số lượt đọc: 4724 Cập nhật lần cuối: 06/03/2017