Cảnh giác với đòn "hồi mã thương" của khủng hoảng

Năm 2010 cần cảnh giác với đòn "hồi mã thương" của lạm phát và khủng hoảng đối với nền kinh tế vì đây là "điểm rơi" hậu quả của các gói cứu trợ trên thế giới, sự bắt đầu của lạm phát do các nguyên nhân lạm phát đã hội đủ cầu kéo, chi phí đẩy và cả "tâm lý đẩy".....
 
 
 
Đó là một trong những cảnh báo được các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh trong cuốn sách "Khủng hoảng tài chính toàn cầu - Thách thức với Việt Nam" vừa được Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành . Cuốn sách do nhóm tác giả (gồm TS. Nguyễn Đức Hưởng - Tổng Giám đốc NH Liên Việt - Chủ biên, TS. Nguyễn Ngọc Bảo - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước,...) biên soạn và chính thức giới thiệu tại Hà Nội ngày 19/1.
 
Tìm hiểu khủng hoảng để rút ra bài học
 
"Mở mắt ra thấy khủng hoảng, nhắm mắt lại nghe khủng hoảng, chiêm bao màng được khủng hoảng, tỉnh dậy ngộ ra khủng hoảng..." - cuốn sách đã bắt đầu bằng những tâm sự của chủ biên - TS Nguyễn Đức Hưởng - về khủng hoảng và lý do viết cuốn sách.
 
Theo TS. Hưởng, cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ từ giữa tháng 9/2008 ở Mỹ làm cho nền kinh tế thế giới nhanh chóng rơi vào suy thoái, kim ngạch thương mại sụt giảm mạnh, thất nghiệp tăng, lòng tin của các nhà đầu tư giảm sút nghiêm trọng. Nhờ việc chung tay giải cứu thảm hoạ kinh tế và áp dụng kịp thời các biện pháp kích thích kinh tế của cộng động các nước phát triển và đang phát triển.
 
TS. Hưởng cho rằng, chỉ hiểu kỹ về quá trình biến cố này, các cơ quan quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp mới có thể tìm ra giải pháp hữu hiệu, giảm nhẹ những tác động tiêu cực của khủng hoảng, quản trị được khủng hoảng và tìm lối đi cho hậu khủng hoảng.
 
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu cho rằng Cuốn sách đã trình bày có hệ thống về vấn đề khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới và tác động tới Việt Nam. Cụ thể, nguyên nhân của khủng hoảng là việc cho vay mua nhà dưới chuẩn, có độ rủi ro cao; và nguyên nhân sâu xa là sự tích tụ trong nhiều năm các mâu thuẫn, mất cân đối nội tại của nền kinh tế Mỹ cùng với sự buông lỏng hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại.
 
Thống đốc nhấn mạnh, sự tác động của khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế thế giới đối với kinh tế Việt Nam đã được lý giải khá sâu sắc, đặc biệt tác động tích cực của 5 nhóm giải pháp kích thích kinh tế đã được các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, dân cư thực hiện, nhờ đó kinh tế Việt Nam không rơi vào suy thoái, phục hồi tăng trưởng, kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo
.
"Thời kỳ hậu khủng hoảng, việc nghiên cứu, đánh giá, mổ xẻ tận gốc của các vấn đề ở các góc độ khác nhau để rút ra bài học cho sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước, cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn cho sự ra đời những mô hình và học thuyết kinh tế mới." - Thống đốc viết trong lời tựa Cuốn sách.
 
Khủng hoảng tại Việt Nam và Mỹ cũng có nhiều điểm giống nhau
 
Trao đổi với báo chí về khoản ngân sách kích thích kinh tế của Mỹ lên tới gần 800 tỷ USD nhưng nền kinh tế nước này vẫn gặp khó khăn, trong khi Việt Nam chi khoảng 8 tỷ USD nhưng kết quả đạt được khá khả quan, GDP năm 2009 tăng 5,32%..., ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng khó so sánh. Đặc biệt, sự so sánh này sẽ khá khập khiễng vì Mỹ là nơi phát tích khủng hoảng, Việt Nam chịu tác động nhưng nền kinh tế liên thông với thế giới chưa cao, do đó cách giải quyết, hậu quả, các hệ luỵ đều khác nhau...
 
Tuy nhiên, ông Bảo nhấn mạnh khủng hoảng tại Việt Nam và Mỹ có 2 điểm giống nhau là trị giá gói giải cứu đều chiếm khoảng 10% giá trị GDP của mỗi quốc gia, đồng thời các chính sách tài khoá và tiền tệ được ưu tiên sử dụng. Ở Mỹ, các chính sách tài khoá là cơ bản, được ưu tiên, còn chính sách tiền tệ là hỗ trợ; mục đính chính là hỗ trợ, giảm sự đổ vỡ của các tổ chức tài chính ngân hàng. Tại Việt Nam, chính sách tài khoá - tiền tệ được sử dụng cân bằng, không xảy ra đổ vỡ ngân hàng; mục tiêu chủ yếu là ngăn chặn suy giảm kinh tế....
 
Cảnh giác với đòn "hồi mã thương" trong năm 2010
 
Trong năm 2010, cuốn sách chỉ ra năm nay có thể là một năm cơ hội sẽ đến với các nền kinh tế, các doanh nghiệp vì khủng hoảng đã dần dần qua đi, kinh tế bắt đầu hồi phục và đặc biệt mỗi con người, doanh nghiệp đều rút ra cho những bài học cho riêng mình.
 
Cuốn sách cũng lưu ý năm 2010 cần cảnh giác với đòn "hồi mã thương" của lạm phát và khủng hoảng đối với nền kinh tế và doanh nghiệp có lực yếu và không quan tâm tới cải cách hậu khủng hoảng bởi năm 2010 là "điểm rơi" hậu quả của các gói cứu trợ trên thế giới, sự bắt đầu của lạm phát do các nguyên nhân lạm phát đã hội đủ cầu kéo, chi phí đẩy và cả "tâm lý đẩy". Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là các doanh nghiệp vẫn còn "choáng váng" bởi kinh tế được phục hồi nhưng vẫn đang trong tình trạng lúc thì "huyết áp cao", khi thì "tụt huyết áp", chưa thăng bằng và đủ mạnh đẻ bước đi vững chắc.
 
Thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau các gói hỗ trợ mới được phục hồi, sản phẩm dịch vụ hàng hoá được tạo ra nhưng lại thiếu tiền vận chuyển và chi phí tiếp thị nên hàng bán chậm, ứ đọng vốn; không ít doanh nghiệp "cười nửa vời ra nước mắt"..
 
Nhóm tác giả cho rằng trong năm 2010 rất có thể các ngân hàng thương mại của các nước nhỏ sẽ rơi vào "bẫy thanh khoản" mới, thậm chí dẫn tới mất thanh khoản tạm thời. Chủ biên - TS. Nguyễn Đức Hưởng dự báo thị trường chứng khoán, bất động sản tại Việt Nam năm 2010 sẽ là cuộc tập trận của các đại gia hai sàn chứng khoán, bất động sản nên hai thị trường này sẽ có những cơn sốt "trồi ít sụt nhiều". Vì thế, các nhà đầu tư nghiệp dư cần cẩn trọng, các ngân hàng sẽ căng thẳng vốn, các doanh nghiệp thiếu vốn, tình hình tỷ giá biến động theo chiều hướng tăng ...
 
Tuy nhiên nhóm tác giả cũng nhấn mạnh năm 2010 cũng đánh dấu một bước thay đổi về chiến lược tiêu thụ của cá doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, chuyển trọng tâm từ xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa; đánh dấu sự lên ngôi của những quốc gia, doanh nghiệp thực hiện kinh doanh theo chiến lược "con kền kền" (kiếm ăn trên xác động vật chết). Dự kiến sẽ có hàng loạt các vụ mua bán sáp nhập doanh nghiệp, mua bán trái phiếu, công cụ phái sinh và xuất hiện nhiều nhà tư bản mới hậu khủng hoảng.
 
Vì thế, nhóm tác giả này khuyên tôn chỉ hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam năm 2010 có thể là củng cố - ổn định - phát triển, trong đó củng cố ổn định là chính, có cơ hội mới phát triển bền vững..., nếu không sẽ rơi vào tình trạng "không ai tắm hai lần trên một dòng sông - không doanh nghiệp nào sống 2 lần trên cùng một lỗi lầm, trong hai lần khủng hoảng". Đồng thời, các doanh nghiệp cũng không nên bi quan mà hãy "quản trị rủi ro - tìm siêu lợi nhuận", tìm "cơ" trong "nguy". 
Theo VnMedia
 
Số lượt đọc: 15 Cập nhật lần cuối: 19/01/2013