Cán đích thủy chung với LienVietPostBank - Cán bộ nhân viên sẽ giàu

Lương có thể tăng cao nhất 30% - 35% và thưởng 12 tháng lương cho cán bộ nhân viên làm việc hiệu quả... Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) nhấn mạnh phương châm “sống bằng lương, giàu bằng thưởng”, “cán đích thủy chung với LienVietPostBank, cán bộ nhân viên sẽ giàu”...
dhdcd_2017_tang_luong_thuong_0.jpg
Đại hội đồng cổ đông LienVietPostBank thông qua chỉ tiêu chi trả cổ tức 12% năm 2017
 
Đây là phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ 9 của ngân hàng này. Và chính sách kích thích nội lực nói trên là một điểm nhấn, hướng đến mốc tròn 10 năm LienVietPostBank có mặt trên thị trường.

Cụ thể, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị LienVietPostBank cho biết, Hội đồng Quản trị đã định hướng trong ba năm, năm 2017 sẽ tăng bình quân khoảng 20%, các năm 2018 - 2019 sẽ tăng bình quân khoảng 15% tổng quỹ lương cho cán bộ nhân viên; trong đó tập trung ở phân khúc cán bộ nhân viên đang có lương thấp với mức tăng có thể lên tới 30%-35% mỗi năm nếu cán bộ nhân viên có kết quả công việc xuất sắc.

“Chúng tôi sẽ kiên quyết thực hiện phương châm đã đặt ra: sống bằng lương, giàu bằng thưởng. Với khẩu hiệu “cán đích thủy chung với LienVietPostBank, cán bộ nhân viên sẽ giàu”, những cán bộ nhân viên có hiệu quả hoạt động tốt và đã gắn bó với ngân hàng suốt 10 năm thì có thể sẽ được nhận 12 tháng lương thưởng”, ông Hưởng nói, khi hệ thống ngân hàng này đang hướng về sự kiện kỷ niệm tròn 10 năm hoạt động vào 2018.

Để có được chính sách tăng mạnh lương thu hút nhân tài, cũng như tạo thêm động lực cho hơn 5.000 cán bộ nhân viên hiện có, LienVietPostBank phải đạt được kết quả kinh doanh khả quan, cũng như đề ra các mục tiêu kinh doanh và thực hiện được cao hơn trong những năm tới.

2016 vừa qua cũng là năm đánh dấu ngân hàng này trở lại ấn tượng ở các chỉ tiêu kinh doanh. Trước đó, cũng như nhiều ngân hàng thương mại khác, LienVietPostBank có dấu hiệu chậm lại trong bối cảnh thị trường bộc lộ nhiều rủi ro về nợ xấu, tín dụng khó đẩy mạnh; và là ngân hàng trẻ, LienVietPostBank phải tập trung chi phí và đầu tư để mở mới chi nhánh và thiết lập mạng lưới những năm gần đây.

Như năm 2016, ngân hàng này cùng lúc đưa vào hoạt động 5 chi nhánh và 28 phòng giao dịch mới, trong kế hoạch sớm thiết lập sự hiện diện tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước - ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên (không có tỷ lệ sở hữu chi phối của Nhà nước) có được độ phủ này.

Chính sách lương thưởng nói trên cũng xuất phát từ kết quả kinh doanh bật lên trong năm 2016. Các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt là về lợi nhuận.

Cụ thể, kết thúc năm 2016, tổng tài sản của LienVietPostBank đã đạt 141.865 tỷ đồng, hoàn thành 109% kế hoạch; vốn chủ sở hữu cũng đạt 109% kế hoạch, tăng từ 7.600 tỷ đồng năm 2015 lên 8.332 tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 106% kế hoạch với 116.193 tỷ đồng; dư nợ thị trường 1 đạt 103% kế hoạch với 83.723 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,08%.

Chỉ tiêu lợi nhuận năm qua của LienVietPostBank đạt tới 147% kế hoạch với 1.348 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức theo đó cũng được điều chỉnh từ 8% lên 10%, trình Ngân hàng Nhà nước xét duyệt.

Trong năm 2017, các chỉ tiêu kinh doanh cơ bản được đại hội đồng cổ đông thông qua, LienVietPostBank tiếp tục đặt mục tiêu đạt mốc 180.000 tỷ đồng tổng tài sản, tăng vốn điều lệ từ 6.460 tỷ lên 7.500 tỷ đồng, kiểm soát nợ xấu dưới mức 1,5%, lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ đồng và tỷ lệ chi trả cổ tức 12%.

Như trên, LienVietPostBank xác định 2017 là năm bản lề trong lộ trình điều chỉnh chính sách lương giai đoạn 2017 - 2019, với mục tiêu đến năm 2019 sẽ nằm trong top 10 ngân hàng thương mại tại Việt Nam về thu nhập bình quân cho cán bộ nhân viên.
Nguồn: bài báo đăng trên vneconomy.vn ngày 26/3/2017, tiêu đề bài sửa lại theo nguyên văn phát biểu của TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị LienVietPostBank.
Số lượt đọc: 51 Cập nhật lần cuối: 28/03/2017