30 phút mỗi ngày ngẫm cái về cái ngu của chính mình

Đám bạn bè làm nghề ngân hàng, mỗi khi nhắc đến Nguyễn Đức Hưởng đều có cách gọi giống nhau: Lão Hưởng. Mới đây có đứa còn bảo Lão Hưởng đã đi tu… Chính vì cách gọi đó nên trong tâm trí, tôi hình dung về lão khác hẳn, ít nhất thì đó cũng là một lão già nua. Nhưng khi gặp, hóa ra ngoại hình của Lão nếu so với những nam người mẫu nổi tiếng cũng không khác nhau là bao nhiêu.

http://nguyenduchuong.vn/sites/default/files/lvb__0.jpg


Từ Tín dụng Bò

Tên tuổi Lão bắt đầu nổi lên từ khi làm Giám đốc Chi nhánh Thăng Long của Agribank. Người ta đồn rằng, chi nhánh này đã cho vay hàng trăm tỷ đồng, mà cái ông Chúa đảo đó thì quá nổi tiếng, và tai tiếng thì cũng có thừa.

Nghe đâu, ông này vì đầu tư vung vít mà những khoản nợ đọng ngân hàng lên tới hàng nghìn tỷ không có khả năng thanh toán. Chuyện ông này “nhập kho” chỉ là vấn đề thời gian, chuyến này không khéo lão Hưởng nguy đến nơi…

Trước những dư luận như vậy, nhiều người đâm thận trọng với lão, nhưng rồi, sau khi tìm hiểu kỹ thông tin, mới thấy những điều mà thiên hạ đồn là không có căn cứ.

Còn lão Hưởng, cái chi nhánh Thăng Long mà Lão làm Giám đốc là chi nhánh hàng đầu trong hệ thống, có thời điểm tổng tài sản của chi nhánh lên tới trên 15.000 tỷ đồng. Vì những thành tích đó, Lão nhận được không ít lời mời đảm nhận những cương vị khác cao hơn, kể cả những trọng trách trong hệ thống công quyền lẫn hệ thống ngân hàng Thương mại Nhà nước, nhưng Lão đã từ chối.

Trong hệ thống Agribank doanh nghiệp số 1 Việt Nam (được UNDP công nhận năm 2007), lão Hưởng đã nổi như sóng cồn, từ khi là Giám đốc Chi nhánh KonTum khi mới ngoài 30 tuổi, là Trưởng phòng Tín dụng khi hơn 20 tuổi. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lão được điều ra làm Phó Giám đốc Sở giao dịch 1, rồi Giám đốc chi nhánh Thăng Long.

Đội ngũ những nguời làm Chính sách tín dụng của Agribank đến nay vẫn còn nhắc tới “Tín dụng Bò” do lão Hưởng đề xuất: cho vay hộ nông dân chăn nuôi bò, bằng con bò thay bằng tiền mặt như thông thường.

“Sinh con” trong bão

Những cổ đông đầu tiên của LienVietBank mời lão Hưởng tham gia cổ đông sáng lập. Biết rằng, ngân hàng cổ phần hiện đã như nấm mọc sau mưa, cùng nhau chen chúc trong một thị trường chật hẹp đã được phân định sẵn là không dễ, nhưng lão vẫn quyết tâm thử sức ở một trận địa mới, tuy như lão nói “chỉ có 99% ở lại ngân hàng cũ, 1% sang ngân hàng mới”.

Nhưng đã quyết tâm, thì quyết chí đến cùng. Sau nhiều tháng chuẩn bị, ngân hàng mới ra đời, lão là Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm luôn Tổng Giám đốc.

Vừa ra đời, ngân hàng đã phải đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nhưng bất chấp những cơn sóng đó, kết thúc năm đầu tiên, ngân hàng trẻ đạt tổng tài sản 9.000 tỷ đồng với lãi ròng đạt hơn 300 tỷ. Và nay, ngân hàng mới qua tuổi thôi nôi đã có tổng tài sản gần 12.000 tỷ, một con số hết sức ấn tượng.

Dông bão như vậy, vì sao “đứa con” vẫn phát triển, đâu là bí quyết? Lão cho rằng, mỗi trận gió đều có thể làm tăng tốc con tàu, dông bão cũng là cơ hội để mình tăng tốc, miễn là mình không bị nhấn chìm.

30 phút mỗi ngày ngẫm những điều… ngu

Có lần ngồi uống cà phê với cánh báo chí ở đường Nguyễn Chí Thanh, nghe chúng nó kháo nhau: Lão Hưởng đã đi tu. Tình cờ vào trang “Phật tử Việt Nam”, thấy bài “Phật pháp và doanh nhân”, ký tên Nguyễn Đức Hưởng, thậm chí trang này còn đăng ảnh của lão.

Thế rồi mới đây, trong lần đi Đà Nẵng nhân dịp khai trương chi nhánh ngân hàng mới ở Dung Quất. Giờ ăn cơm, ngồi với lão, nghe lão giải thích: Tu có nghĩa là sửa. Người đi tu có nghĩa là liên tục phải sửa mình.

Lão kể, ngày nào cũng dùng ít nhất là 30 phút để ngẫm về những điều ngu, để rồi liên tục sửa. Có cái sửa được ngay, có cái phải mất cả tuần, cả tháng, thậm chí có cái phải mất cả năm mới sửa được, mà vẫn thấy còn ngu!

Quê lão ở Phú Thọ. Tuổi thơ của lão gắn liền với cái đói, một bữa ăn đủ no đã là ước mơ cháy bỏng. Học hết phổ thông vào cuối thập niên 70, người lão vẫn gầy khô như con cò hương.

Đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự bị loại vì không đủ cân, hết phổ thông lão phải vào Sài Gòn với bà chị rồi học đại học trong đó, sáng đi học chiều ra bến cảng khuân vác. Ra trường lão xin về chi nhánh Gia Lai - Kon Tum, vùng đất cực bắc của Tây Nguyên heo hút.

Lão liên tục trưởng thành. Không chỉ con đường chuyên môn, nghiệp vụ mà còn cả đường học vấn, đường ngoại giao… Không người thân thích, không phải là con ông nọ bà kia, lão đi từ nhân viên, lên phó phòng, trưởng phòng, giám đốc chi nhánh, Tổng Giám đốc… không bỏ qua một vị trí nào trong hệ thống thang bậc ngành ngân hàng.

Có lẽ vì thấm được chữ Tu, nên lão rèn anh em như rèn chính bản thân lão. Ở ngân hàng mới, Lão đích thân soạn thảo “Đại cương văn hóa” cho ngân hàng gồm 21 điều. Trong đó quy định rõ chi tiết từ tầm nhìn, chiến lược triết lý kinh doanh đến từng cách thức sinh hoạt hàng ngày như: nghiêm cấm uống rượu trong giờ làm việc; nghiêm cấm phong bao, quà cáp cho lãnh đạo.

Không chỉ soạn bài giảng, Lão còn trực tiếp lên lớp. Lên lớp xong ra câu hỏi kiểm tra, viết bài thu hoạch. Dẫu bận rộn, nhưng Lão vẫn đọc hết từng bài thu hoạch của anh em, rồi chấm điểm, trao phần thưởng, không sót một công đoạn nào.

Có người bảo, cách làm việc của ông như vậy, khổ hạnh khác nào thầy tu. Lão bảo, xác định được là tu, nên với lão, lấy công việc là niềm vui. Tu mãi đâm quen!

Theo lão, Tu không chỉ là vào chùa tụng kinh niệm Phật! Quan trọng là "Tu tại Tâm".

Số lượt đọc: 112 Cập nhật lần cuối: 31/08/2011

Các tin bài tiếp theo