Tổng Giám đốc Ngân hàng Liên Việt: Ngộ ra và thoát

Ngồi trước mặt chúng tôi là chủ biên cuốn sách “Khủng hoảng tài chính toàn cầu – Thách thức với Việt Nam” đang nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận.


Cuốn sách được không chỉ giới chuyên gia, giới kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng quan tâm mà đến nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học, đơn đặt mua tăng nhanh cùng hàng loạt lời mời ông thuyết trình cho sinh viên và hội thảo nhiều nơi trong cả nước. Đó là cuốn sách dành cho thời kỳ “hậu khủng hoảng” mà nước ta phải trải qua, hơn nữa, tác giả của nó không phải là nhà nghiên cứu để viết lách mà CEO (Tổng Giám đốc) của Ngân hàng Liên Việt – Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng. Cuốn sách còn được nhiều bạn đọc gọi đặc cách là “Ngộ ra từ khủng hoảng”. Nhưng thật bất ngờ, vị CEO mới 48 tuổi lại tâm sự sâu sắc về việc ông “ngộ” ra chữ “thoát” với chúng tôi.
 


TÔI ĐÃ THOÁT RA KHỎI TIỀN

Ông mới 48 tuổi, đường quan lộ có thể nói là đang thời điểm được đà nhất và ông lại nói đến ý định “thoát” ràng buộc tiền tài, vị trí, quyền lực của mình?
Vì tôi hay đọc sách và ưa thích công việc viết. Tôi thường dậy lúc 4 giờ sáng để bắt đầu viết những đều tâm huyết nhất của mình sau khi đọc sách vào buổi tối hoặc những gì thú vị học được trong ngày. Nhờ đọc sách và nhất là văn hóa phương Đông nên tôi sớm quen với khái niệm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín, Dũng… Tất cả những điều này đều cần thiết và đúng đắn. Nhưng trong cuộc sống hiện tại và cuộc sống bận rộn của chính mình, chữ Nhẫn xem ra rất khó, vì cuộc sống càng nhanh càng phức tạp thì chữ Nhẫn sẽ gây sức ép tâm lí, ức chế lên số đông và ảnh hưởng không tốt lên tinh thần. Tôi nghĩ rất kĩ về vấn đề này và tự ngộ ra cuộc sống còn thiếu một thứ, đó là cần phải Thoát chứ không phải là Nhẫn. Phải biết thoát ra khỏi những ràng buộc và những quy tắc cũng như cám dỗ thì mới có sự thanh thản tâm hồn và thế thì mới có sức khỏe được. Để thoát được lại không dễ. Ai chẳng thích tiền tài, quyền lực, vị trí, cám dỗ nên thoát rất khó. Nên tôi hiểu rằng càng chạy theo tiền bạc, quyền lực, cám dỗ thì càng mệt mỏi cộng với cái chết của một CEO thuộc tập đoàn xây dựng lớn vừa qua càng làm tôi quyết liệt chuyển hướng cuộc sống theo hướng “thoát” khỏi những ràng buộc, mệt mỏi đời thường.

Cụ thể ông “thoát” khỏi được những gì?
Trước tiên là tiền bạc. Nó không còn là thứ cuốn hút tôi nữa và tôi đã cho đi, chia sẻ rất nhiều với số đông người khó khăn. Tôi đang rút dần ra khỏi vị trí của mình hiện tại, theo kế hoạch và hướng tới cuộc sống trao đổi, tiếp xúc với số đông và cố gắng giúp đỡ nhiều người hơn. Tôi đã nghiệm ra là cần phải vứt bỏ những thứ không cần thiết để cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn như cái cặp của tôi cách đây chưa lâu nó còn rất nặng nề vì chứa đựng đủ thứ. Tôi cần hai giờ để tìm cách loại bỏ những gì không cần thiết đi thế nhưng không bỏ được thứ gì. Cuối cùng, tôi vứt luôn cả cặp và thấy không có nó cũng chẳng sao. Riêng về cuộc sống gia đình, tôi có kinh nghiệm là nên 5 năm đổi nhà một lần thì sẽ giải thoát mình khỏi những thứ phiền phức không cần thiết.
 


Và cuốn sách được gọi đặc cách là “Ngộ ra từ khủng hoảng” của ông đã ra đời từ những lần di chuyển như thế?
Không chỉ là di chuyển như thế, tôi có nhiều cơ hội tham gia các hội thảo quốc tế ở nhiều nước và học hỏi nhiều kinh nghiệm quản lý kinh tế, tài chính, tiền tệ và các vấn đề khác. Tôi học được kiến thức từ những người xung quanh tôi, các chuyên gia kinh tế và cả các bạn trẻ khi nói chuyện với họ. Và vì tôi thích viết nên tôi nghĩ mình sẽ viết về vấn đề thú vị này.

Thưa ông, cái mà ông và nhóm tác giả “ngộ ra” sau khủng hoảng là gì?
Là biết thực lực của chính doanh nghiệp mình, cá nhân mình, tổ chức mình, chứ không liều lĩnh được. Các cụ bảo ở hiền gặp lành nên tôi nói rằng, ở liều hay làm liều thì không gặp lành được. Người làm quản lý càng không được làm liều. Theo kinh nghiệm của thế giới, bất kì doanh nghiệp nào xoay quá 50% nhu cầu sản xuất kinh doanh sẽ báo hiệu sự phá sản. Phải biết thực lực của mình để không cố trong tình trạng nguy hiểm. Phần lớn các doanh nghiệp của ta chỉ có 20% - 30% vốn, còn lại vay ngân hàng 70% - 80% thì quá nguy hiểm. Có những dự án, thậm chí không có đồng vốn nào, doanh nghiệp thế chấp cả dự án, vay đến 100% vốn thì độ rủi ro cực kỳ cao, chỉ cần một tác động nhỏ về chính sách tiền tệ cũng khiến hàng loạt doanh nghiệp đổ sập, phá sản. Tôi khuyên mỗi cá nhân, doanh nghiệp nên chỉ vay trong giới hạn an toàn và phải biết bỏ bớt cái tham, những cái cố quá mức của mình đi.

Và điều các ông “ngộ ra” sẽ được chuyển hóa và chính sách của ngành ngân hàng?
Tôi vừa được biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kế hoạch thay đổi lớn đối với chính sách tiền tệ, thay vì thắt chặt, nó sẽ được tháo nút để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của xã hội và sự nghiệp phát triển chung của đất nước. Tất nhiên, lạm phát sẽ tăng cả về yếu tố chính sách lẫn yếu tố tâm lý, nhưng quy luật có tăng có giảm, bù trừ sẽ vẫn trong tầm kiểm soát.

Và sau cuốn sách này, ông sẽ tiếp tục viết nhiều hơn khi ông hoàn thành được kế hoạch “thoát” khỏi các vị trí, cám dỗ hiện nay?
Tôi sẽ viết nhiều hơn, sẽ đi thuyết minh với nhiêu bạn trẻ hơn. Tôi sẽ cố gắng viết cuốn sách “Chữ Thoát”. Và điều cuối cùng, tôi “ngộ” cho riêng mình chính là sức khỏe và gia đình. Trước tôi quá bận, một tuần chỉ có ngày thứ Bảy và trọn vẹn ngày Chủ nhật dành cho vợ và đưa con đi xem phim thì nay tôi sẽ có nhiều thời gian hơn.

Xin cảm ơn ông và chúc cuộc tự “giải thoát” của ông thành công như đã định.

Số lượt đọc: 168 Cập nhật lần cuối: 31/08/2011

Các tin bài tiếp theo