Phấn đấu trở thành... người bình thường

Trở thành Người bình thường, thật đơn giản. Thời tuổi trẻ tôi cũng từng nghĩ như vậy nhưng “quá nửa đời phiêu dạt” đi tìm “sơn hào, hải vị”, khi trưởng thành, quay về “úp mặt vào sông quê” mênh mông, bao dung như lòng mẹ, tôi mới nhận ra “sơn hào, hải vị chính là cơm canh, cá kho, rau muống, dưa cà” của mẹ, mới thấu hiểu được chữ “hiếu” với cha mẹ, thấm thía giá trị của những “điều bình thường”, những điều tưởng như ai cũng có, cũng biết, nhưng thật ra ít ai hiểu hết. Giá như ngay từ đầu, đời ta “ngộ” được điều này thì cuộc đời sẽ tăng phần ý nghĩa hơn nhiều. Trở thành Người bình thường, thấu hiểu được giá trị của những điều bình thường; với tôi, đó là bí quyết sống, bởi vì Người bình thường là:

  1. Một người như bao nhiêu người khác, dễ hòa nhập và hội nhập được.
  2. Làm được tất cả những việc bình thường và vì vậy, làm được cả những việc vĩ đại bởi vì tất cả những chuyện lớn đều bắt nguồn từ những chuyện nhỏ mà thành.
  3. Luôn “biết mình là ai đang đứng ở đâu – thành ý – chính tâm – tu thân” để đi thăng bằng trên mặt đất, không sống viển vông, không bao giờ tự cho mình là siêu nhân.
  4. Luôn luôn có ít nhất 2 phương án trong mọi tình huống để không rơi vào trạng thái “khác thường” khi xảy ra sự cố.
  5. Luôn tự tin, không tự mình “tim đập, chân run” vì hiểu được: Trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống, mọi sự vật, hiện tượng đều xuất phát từ quy luật bình thường, tất nhiên, vốn có và chắc chắn sẽ qua đi nên sẽ cảm thấy bình thường; không bức xúc, áp lực đáng kể; không tô vẽ, phóng đại sự vật, hiện tượng nhưng cũng không coi thường sự bình thường ấy và dễ dàng vượt qua một cách… bình thường.
  6. Khi cần, biết hóa thân vào người khác, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể; lần lượt hoàn thành từng nhiệm vụ để đi đến mục tiêu của cả cuộc đời bằng cách tìm ra con đường bình thường, đơn giản nhất trong muôn vàn con đường.
  7. Biết đơn giản hóa những vấn đề phức tạp. Khi xử lý tình huống cuộc sống, luôn biết tạo điều kiện cho “những dòng sông cùng chảy”, không để rơi vào bế tắc bởi tính ích kỷ, “tư duy ngõ cụt”.
  8. Một ngày ít nhất dành ra 15 phút để suy ngẫm về những “điều khác thường” của chính mình, mỗi một điều khác thường là một cái “ngu”.
  9. Làm phúc luôn cho là bình thường, may mà được làm, nếu không thì người khác cũng sẽ làm; vì vậy, giúp ai sẽ nhanh quên để tập trung làm việc khác, không bao giờ kể công.
  10. Để thành công, cần xác định: Tất cả là tạm thời, chỉ có tình người là vĩnh cửu! Điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống là đi được bao nhiêu nơi, hiểu biết được điều gì mới, giúp được bao nhiêu người.
     

TS. Nguyễn Đức Hưởng

Số lượt đọc: 2732 Cập nhật lần cuối:

Các tin bài tiếp theo