Một tấm lòng với quê hương

"Nên thợ nên thầy nhờ có học, no cơm ấm áo bởi hay làm”. Từ lâu, ước mơ được học, được thành tài nhờ con đường học tập đã ngấm sâu vào tiềm thức mỗi người và chắp cánh ước mơ cho con nhà nghèo học giỏi luôn là những câu chuyện cảm động.
http://nguyenduchuong.vn/sites/default/files/tin-tuc/anh-dai-dien/images713677_nguoi1_1.jpg
TS. Nguyễn Đức Hưởng và mẹ
 
Xin bắt đầu bằng chuyện của Nguyễn Thị Thúy, một học sinh mồ côi ở xã Phú Nham, huyện Phù Ninh. Bố ra đi từ khi Thúy mới lọt lòng. Mẹ làm ruộng, tần tảo nuôi em ăn học. Năm Thúy học lớp 8, mẹ em qua đời vì căn bệnh ung thư. Nỗi đau quá lớn tưởng như sẽ làm cô gái nhỏ bé này gục ngã. Song với nghị lực mạnh mẽ và quyết tâm thực hiện bằng được di nguyện của mẹ trước lúc nhắm mắt, Thúy đã tự đi làm kiếm sống và chăm chỉ học tập để nuôi ước mơ trở thành cô giáo của mình. Thúy kể: “Sau khi mẹ mất, em đã rất sốc. Bơ vơ một mình kiếm sống, có khi cả tháng trời chỉ ăn mì tôm, song em quyết tâm thực hiện mơ ước của mình và cũng là mơ ước của mẹ”.

Thấy hoàn cảnh đáng thương của cô bé mồ côi, năm Thúy học lớp 12, Trường mầm non xã Phú Lộc đã tạo điều kiện nhận em vào làm phụ việc cấp dưỡng để em có phần nào thu nhập lo việc học và giúp em nguôi ngoai nỗi đau tinh thần. Tháng 8 vừa qua, niềm vui lớn đến với Thúy khi em nhận được giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Hùng Vương. Thắp nén hương, người đầu tiên em báo tin là mẹ. Thế rồi niềm vui chẳng được bao lâu thì phải nhường chỗ cho sự lo lắng về số tiền ăn học trong 4 năm liền. Tưởng chừng cô bé mồ côi sẽ phải gác lại ước mơ làm cô giáo, nhưng đúng lúc em khó khăn nhất thì Đài truyền hình Phú Thọ phát phóng sự về nhân vật Thúy. Ngay sau đó, em nhận được học bổng của “Quỹ khuyến học, khuyến tài Đất Tổ” để thực hiện mơ ước làm cô giáo của mình. Và rồi, ngôi nhà tuyềnh toàng xơ xác từ khi mẹ Thúy mất cũng đã được các cô bác sửa sang, tiếp thêm nghị lực cho em  thực hiện ước mơ được dạy dỗ những học sinh nghèo khó như bản thân mình. Thúy nghĩ đó sẽ là cách để đền ơn cuộc sống, trả nghĩa những người đã cưu mang em.

Để đền ơn cuộc sống, cũng là suy nghĩ của nhiều người, giống như em Thúy. Họ chính là những học trò nghèo năm xưa của quê hương, nay đã thành đạt. Họ chung tay xây đắp “Quỹ khuyến học, khuyến tài Đất Tổ” để chắp cánh ước mơ cho các thế hệ tiếp nối. Nguyễn Đức Hưởng là một người như thế. Anh sinh ra và lớn lên tại một làng nhỏ bên hữu ngạn sông Thao. Tuổi thơ anh đã từng nghèo khó, bây giờ, mỗi khi nhìn thấy cảnh đời khó khăn là anh sẵn sàng giúp đỡ và coi họ như những người thân của mình. Anh luôn tâm niệm làm việc thiện, giúp đỡ ai đấy là điều bình thường, may mà được làm, nếu không thì người khác cũng sẽ làm. Đó cũng là cách để anh trả nghĩa cuộc đời này khi có được ngày hôm nay.

Những công trình được xây dựng trên đất mẹ trung du chính là sự báo hiếu của người con xa quê dành cho nơi chôn nhau cắt rốn. Ngoài những đóng góp xây dựng kinh tế xã hội cho địa phương, đối với giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Không chỉ là người rất tích cực vận động các doanh nghiệp, cá nhân đóng góp tăng nguồn vốn cho “Quỹ khuyến học, khuyến tài Đất Tổ”; riêng mình, anh còn trao tặng hơn 1 tỷ đồng cho các em học sinh Phú Thọ vượt khó học giỏi, học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.

Thời tuổi trẻ, Nguyễn Đức Hưởng cũng từng mong phấn đấu trở thành người quan trọng; thành chính khách, vì nghĩ rằng đó mới là điều đáng quan tâm của cuộc đời. Nhưng “quá nửa đời phiêu dạt” đi tìm “sơn hào, hải vị”, khi trưởng thành, quay về “úp mặt vào sông quê” mênh mông, bao dung như lòng mẹ, anh mới nhận ra “sơn hào, hải vị” chính là cơm quê, cá kho, rau muống, dưa cà của mẹ, mới thấu hiểu được chữ “hiếu” với cha mẹ. Cũng giống như tâm trạng “Về lại miền thơ ấu” của nhạc sĩ Phú Quang- một người con sinh ra trên miền đất trung du, những vần thơ mộc mạc viết về mẹ của Nguyễn Đức Hưởng đã được Nhạc sĩ Minh Quang phổ nhạc: “Đồi cọ cứ xanh, phù sa cứ đỏ ngầu. Mẹ từng khoai sắn nuôi đàn con khôn lớn. Nửa đời phiêu bạt. Nửa đời con tiếng lòng- hãy làm gì cho Mẹ. Và hãy làm gì cho quê hương”.

Ở đời cũng muốn sinh ra trong gia đình khá giả, nhưng không nhiều người có được may mắn đó. Ông cha ta vẫn dạy “Con không chê cha mẹ khó”. Nguyễn Đức Hưởng đã thấu hiểu sự vất vả của quê nghèo, nơi có người mẹ chắt chiu nuôi anh khôn lớn. Suốt những năm tháng bươn trải cơm áo gạo tiền, anh luôn đau đáu về một vùng quê đầy gian khó. Anh thành thực biết ơn vì được sinh ra ở làng quê nghèo, chính sự nghèo khó ấy là động lực mãnh liệt thúc đẩy anh vượt khó vươn lên. Nhớ lại tuổi thơ, anh bảo, đêm đêm nhìn sang bên kia sông Thao, thị xã Phú Thọ sáng bừng luôn hun đúc trong lòng các lứa học trò quê nghèo khát vọng vượt sông. Chỉ có học giỏi mới mong biến ước mơ thành hiện thực. Người đời thường bảo "Cha mẹ giàu con có, cha mẹ khó con không”, nhưng Nguyễn Đức Hưởng đổi lại thành: "Cha mẹ giàu con có, cha mẹ khó con khôn”. Chỉ bớt một chữ g nhỏ xíu nhưng ý nghĩa câu thành ngữ mới thật lớn lao. Mỗi lần về quê, anh lại đem những bài học đời mình, những kinh nghiệm bản thân để trò chuyện và khích lệ lớp học trò hôm nay: Phải gắng học giỏi để lập nghiệp, làm cho đời mình có ý nghĩa và giúp cho những người xung quanh hạnh phúc.

Nguyễn Đức Hưởng tâm sự: "Công việc cho tôi cơ hội được đi đây đi đó. Nhưng càng đi nhiều, càng gặp nhiều, tôi càng chứng kiến nhiều vùng quê, nhiều con người còn nghèo khổ quá. Mỗi lúc như vậy, tôi lại ước mình có thật nhiều, làm được thật nhiều để giúp đỡ người dân bớt khổ ”.

Tấm lòng ấy với cuộc đời này đã và đang chắp cánh hàng trăm học sinh nghèo như em Thúy mồ côi thực hiện được ước mơ. Mong sẽ có nhiều người con thành đạt của quê hương nghĩ được và làm được như Nguyễn Đức Hưởng.
 
Dư Hồng Quảng
Số lượt đọc: 154 Cập nhật lần cuối: 15/10/2014