Mong Tình Cương... thoát nghèo bền vững!
Qua 6 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, với sự đóng góp gần 50 tỷ đồng của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và cá nhân TS. Nguyễn Đức Hưởng, cùng với sự quan tâm của cấp uỷ chính quyền địa phương tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà văn hoá, trạm y tế, cơ sở hạ tầng, thay đổi cơ cấu cây trồng, xoá nhà lá vách đất,... xã Tình Cương đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm còn 3,95%, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 26,2 triệu đồng/người/năm, bình quân lương thực đầu người đạt gần 517kg/người/năm, trên 95% lao động trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, 83,4% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 7/9 khu dân cư văn hóa; hệ thống đường giao thông đến các khu dân cư đều được cứng hóa; hệ thống cơ sở vật chất như trụ sở UBND xã, nhà văn hóa khu dân cư, trạm y tế và trường học được xây dựng khang trang, cả 3 cấp học đã đạt chuẩn Quốc gia...
Ông Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ tặng lẵng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tình Cương
Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chung vui nhân sự kiện xã Tình Cương đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới
TS. Nguyễn Đức Hưởng - người con của quê hương Tình Cương, Cẩm Khê đã vượt qua quãng đường dài, trở về tri ân với quê hương, tài trợ cho sự kiện, mời những ca sỹ gạo cội và tự mình chọn lọc từng bài hát có ý nghĩa nhất để thể hiện tấm lòng với quê hương! Tự hào là người sinh ra ở xã nghèo Tình Cương, TS. Nguyễn Đức Hưởng thường chia sẻ với các học sinh về 2 quan điểm hành trang cuộc đời: mình ở xã nghèo, trình độ dù sao cũng còn thấp nên phải cố gắng gấp 10 lần may ra mới bằng người khác được và khi đã cố gắng gấp 10 lần thì sẽ không thua ai.
TS. Nguyễn Đức Hưởng - người con quê hương luôn đau đáu, trăn trở... hãy làm gì cho mẹ và hãy làm gì cho quê hương...
Với mong muốn Tình Cương sẽ thoát “nghèo bền vững”, phải từ sản xuất hàng hóa để bà con khá giả hơn, TS. Nguyễn Đức Hưởng tiếp tục mang 200kg hạt sachi tặng cho địa phương để bà con trồng thí điểm, trước hết ở đất nào không trồng gì, ở bờ rào... bà con có thể trồng loại cây rất dễ trồng, giàu omega, có tuổi thọ đến 30 năm... Từ năm 2018 nếu có doanh nghiệp nào thành lập ở xã Tình Cương, nuôi được 20 lao động của xã trở lên, sản xuất được sản phẩm hàng hoá được xã, tỉnh duyệt, TS. Nguyễn Đức Hưởng sẽ bỏ tiền cá nhân trả lãi vay ngân hàng (bất cứ ngân hàng nào) trong 1 năm cho doanh nghiệp đó để hỗ trợ xã Tình Cương phát triển. Sản xuất hàng hoá để thu hút con em địa phương về quê hương, sản xuất hàng hoá, hướng đến xuất khẩu để nâng cao đời sống người dân.
TS. Nguyễn Đức Hưởng chúc mừng sự kiện để đời cho nhân dân toàn xã Tình Cương đã chạm đến đạt chuẩn xã nông thông mới. Nhưng điều quan trọng là hậu nông thôn mới thế nào? Hy vọng sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của các cấp, các ngành trong điều kiện cho phép, sự cố gắng của người dân nơi đây với tư duy "đột phá, xoá lối mòn lạc hậu" sẽ giúp xã Tình Cương nói riêng, huyện Cẩm Khê nói chung vĩnh biệt khái niệm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu càng nhanh càng tốt!
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng - người "truyền lửa" làm giàu cho nông dân - chia sẻ cách trồng cây sachi và đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp cho bà con xã Tình Cương
Ông Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ và ông Hà Đức Huynh - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cẩm Khê mục sở thị cây sachi (phía sau, cao hơn đầu người) trồng tại nhà bà Bẩy ở xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê được TS. Nguyễn Đức Hưởng tặng hạt giống gieo mầm sachi - chắp cánh ước mơ cách đây 6 tháng đã ra hoa, sai quả
Theo An Khánh CP