"Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài"

Hình ảnh TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT LienVietPostBank dìu mẹ đi vào khán phòng tham dự đêm nhạc “Trở về miền thơ ấu để dựng xây” tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã làm nhiều người có mặt xúc động. Ở miền Đất Tổ này, không ai không biết đến ông - một doanh nhân thành đạt nhưng rất có tâm.

http://nguyenduchuong.vn/sites/default/files/LPB_0801.jpg

Không ít lần, bà cụ đã rơi lệ vì những gì mà người con này đã và đang làm cho quê hương, cho những người dân nghèo. Bà khóc vì hạnh phúc, tự hào đã nuôi dạy được người con không chỉ giỏi kiếm tiền mà cũng rất giỏi “tiêu tiền”. Đồng tiền vất vả kiếm ra đã được ông và những cộng sự của ông, là những cổ đông của LienVietPostBank, tiêu vào những hoạt động từ thiện, để nhận về những tiếng cười trong trẻo, ánh mắt trong veo đầy hy vọng của các em học sinh ở nhiều vùng quê nghèo khó trên cả nước.

ts_nguyen_duc_huong_va_me_0.jpg
TS. Nguyễn Đức Hưởng và Mẹ

Hành trình của những tấm lòng

Trong ông luôn đầy lòng trắc ẩn. Tuổi thơ nghèo khó với những củ sắn lùi, cọng rau sắn, bát cháo loãng... luôn theo ông như một hành trang vào đời. Vì nghèo khó mà ông nỗ lực, cố gắng để thoát nghèo. Giờ đây, khi đã có điều kiện, ông không bao giờ từ chối giúp đỡ khi biết đến những cảnh nghèo.

Thế nên, 4 năm rồi, cứ đến mùa tựu trường là LienVietPostBank lại về Đất Tổ để trao giải thưởng cho những cô cậu học sinh nghèo vượt khó, những học sinh khuyết tật biết vượt lên số phận… Không chỉ bó hẹp trong quê hương, cứ nơi nào có học sinh nghèo vượt khó mà ông biết thì LienVietPostBank sẽ có mặt ở đó. Tính đến nay, LienVietPostBank tham gia sáng lập và tài trợ, duy trì hoạt động cho gần 10 Quỹ Khuyến học - Khuyến tài trên khắp cả nước như Quỹ Phạm Văn Trà tại Bắc Ninh, Quỹ Lương Thế Vinh tại Nam Định, Quỹ Đinh Bộ Lĩnh tại Ninh Bình…

Rồi chuyện LienVietPostBank cùng Công ty CP Him Lam, cổ đông sáng lập chủ chốt, liên tục tài trợ xây dựng trường học ở những huyện nghèo trên Đất Tổ quê hương, hay Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nam Định, hoặc xa hơn tại Hà Tĩnh, Long An,… Tính đến nay, LienVietPostBank và Công ty Him Lam đã trực tiếp hoặc tham gia xây tặng, cải tạo, nâng cấp gần 100 trường học các cấp, với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Ấn tượng của người viết về TS.Nguyễn Đức Hưởng rất nhiều, nhưng có những việc mà ông làm khiến người viết vô cùng xúc động. Còn nhớ khoảng tháng 11 năm 2012, khi VTV phát phóng sự về cảnh những hộ gia đình không có gạo để ăn, phải kiếm rau cỏ ở rừng nấu láo nháo cho qua bữa của bản Nậm Sài (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai), ông đã thấy xót lòng. Ngay sau đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã trao tặng 300 triệu đồng, đem đến Nậm Sài để cứu đói tức thời. Số tiền này đã được chia cho 289 hộ khó khăn nhất và được quy ra hiện vật là mỗi hộ được nhận 40 kg gạo, một chiếc chăn ấm, 1 gói mì chính và 1 gói muối.

Với tư duy của một người làm kinh doanh, ông nghĩ việc cứu đói tức thời chỉ là ngắn hạn, cần phải làm gì để cho người dân ở nơi này bớt khổ. Nói là làm, ông đã trao đổi với ông Chủ tịch huyện Nậm Sài này về việc thay giống ngô đang trồng.

 “Ngô bà con đang trồng không năng suất, chỉ đạt có 2 tạ/ha. Chúng tôi có Công ty đang hỗ trợ huyện nghèo Xín Mần (Hà Giang) nghiên cứu giống ngô lai có thể cho 6 tạ/ha. Về Hà Nội tôi sẽ nói Công ty cử người lên đây xem xét. Nếu được, chúng tôi sẽ hỗ trợ về giống và phương thức sản xuất. Phải nghĩ cái gì dài hạn, không thể để bà con khổ mãi”, ông Hưởng đề xuất.

Và giữ đúng lời hứa, vào những ngày cuối năm 2013, đoàn công tác của LienVietPostBank đã quay trở lại Nậm Sài để trao tặng cho người dân nơi đây giống lúa, giống ngô và các trang thiết bị cần thiết phục vụ sinh hoạt của người dân và các em học sinh. Tấm lòng của ông và LienVietPostBank đã làm cho người dân ở đây xúc động, họ không biết những con người này đến từ đâu mà sao lại tốt thế. “Chả biết cái nơi cho quà này là ai, ở đâu nhưng thấy họ tốt quá, cho cả quà lẫn tiền, tôi sống đến ngần này tuổi rồi, đây là lần đầu tiên tôi thấy có những người tốt đến vậy”, một cụ già xúc động khi nhận được quà.

Làm người phải có “cái Tâm, cái Tầm”

Khi trao đổi với ông về quan điểm của một doanh nhân, ông cười và cho rằng mình còn thiếu nhiều lắm, còn phải phấn đấu nhiều. Với ông, định nghĩa về “doanh nhân” rất đơn giản. “Doanh” gồm doanh gia, doanh giới, giới doanh nhân. “Nhân” không chỉ đơn giản là người mà là người có tâm, có tầm.

“Không phải ai cứ ngồi vào ghế Giám đốc, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT đều được gọi là “doanh nhân”. Doanh nhân không chỉ cần có “cái Tâm” mà cần phải có “cái Tầm”, tầm ở đây phải là tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Tức là con người đó phải hội đủ phẩm chất kiềng ba chân: “Tâm – Tín – Tài” nổi trội trong doanh giới, và phải được tổ chức, tập thể phong tặng, chứ không phải “tự phong” hoặc ai đó gán ghép cho”, ông Hưởng chia sẻ.

Theo ông Hưởng, người xứng đáng được gọi là doanh nhân tại Việt Nam phải nói đến ông Dương Công Minh hay còn gọi là ông Minh “Him Lam” - Chủ tịch HĐQT Him Lam, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank. Ông Minh rất xứng đáng là một doanh nhân theo đúng nghĩa, là một con người tài giỏi, đóng góp cho xã hội rất nhiều nhưng chỉ có “người trong nhà” mới hiểu rõ công lao ấy.

Ông Hưởng chia sẻ, để thành công được đến ngày hôm nay, ông rất chăm chỉ học hỏi và ghi chép lại bất kỳ điều gì gặp hoặc đọc được. Việc làm này để giúp ông tích lũy kinh nghiệm sống cũng như kinh nghiệm làm việc.

“Tôi cũng thích nghiên cứu và viết lách. Chính vì vậy, tôi hay tham gia các công trình nghiên cúu và viết báo từ rất sớm. Có một thời gian dài, thu nhập chính của tôi là bằng nhuận bút. Tôi đã có một bài báo nổi tiếng về bóng đá được đăng trên báo Thanh Niên năm 1996. Thời đó, bóng đá của mình vẫn còn bao cấp và tôi đã nghĩ ra một mô hình bóng đá chuyên nghiệp kết hợp kinh doanh trong tương lai. Bài viết này đã được đăng lại mấy lần và cũng đăng trong cuốn nguyệt san của báo Thanh Niên với nhuận bút rất cao. Thật ra, thời điểm đó tôi lấy việc viết báo để nghiên cứu, học hỏi và rèn giũa chính bản thân mình”, ông Hưởng chia sẻ.

Không chỉ thành đạt, ông còn là một người con có hiếu. Khi biết tin mẹ bị ung thư, ông đau khổ tột cùng. Với ông, sự ra đi của bố đã là mất mát rất lớn. Nay, đứng trước nỗi đau có thể sẽ mất mẹ, ông gần như ngã quỵ. Ông không chấp nhận điều đó và tìm hiểu cũng như lấy những loại thuốc tốt nhất để có thể chữa bệnh cho mẹ. Hình ảnh ông tận tụy chăm sóc mẹ lúc đau bệnh, khiến nhiều người cảm phục.

Trong những phút giây tuyệt vọng, ông đã viết một bài thơ về mẹ. Trong đó có đoạn:

“Mẹ ơi

Nửa đời phiêu bạt

Nửa đời con tiếng lòng

Hãy làm gì cho Mẹ

Và hãy làm gì cho quê hương

Tiếng lòng con khe khẽ

Sông Hồng ngập phù sa con

Mẹ từng mưa nắng nuôi đàn con khôn lớn

Đủ lông, đủ cánh để đàn con bay xa”.

Ông còn nhắn nhủ rằng: "Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc - Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không"!

Và tiếng lòng của ông đã được trời cao chứng giám. Mẹ ông đã khỏe lại, các tế bào ung thư đã biến mất...

Không chỉ hiếu thuận với cha mẹ, ông cũng là người chồng, người cha mẫu mực. Ông chia sẻ rằng dù công việc có bận rộn đến mấy nhưng những ngày cuối tuần ông luôn dành cho gia đình, dành trọn thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn bên vợ con. Với ông, tình người là vĩnh cửu và trong đó, không thể thiếu gia đình và chữ hiếu với cha mẹ.

Sau một thời gian dài hành trình cùng ông và LienVietPostBank, người viết xin được mạn phép dùng 2 câu thơ trong “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du để tặng ông, một doanh nhân Đất Tổ đầy lòng trắc ẩn:
“Thiện căn ở tại lòng ta 
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”.

Tiền là phương tiện để con người thực hiện những tâm nguyện mà mình muốn hoàn thành.

Mỗi ngày dành 30 phút để tổng kết những "cái ngu" trong ngày

Bí quyết thành công trong cuộc sống là phải hội tụ 10M: “Mồ mả – Miệt mài – Mưu mẹo – Mạnh mẽ May mắn”.

Minh Huệ
 

Số lượt đọc: 860 Cập nhật lần cuối: 08/07/2014